Nấm Linh Chi Rừng Tự Nhiên Hay Nấm Trồng Tốt Hơn
29/05/2018Chuyện Về Giá Nấm Linh Chi Rừng Dung Đang Bán
19/02/2019Có lẽ nhiều Anh, Chị khi ghé thăm trang D’honey của Dung sẽ quan tâm không biết D’honey là mật ong từ phương nào nhỉ.
Vậy, để Dung kể chút cho Anh Chị nghe nha.
Vùng đất Sơn Lang KBang Gia Lai nơi Dung sinh sống, xưa kia, (cỡ năm 198x) là một vùng kinh tế mới nhà nước thành lập những lâm trường đưa công nhân vào khai thác rừng, phát rẫy trồng cà phê.
Những cánh rừng nơi đây tạo thành 2 khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất của Gia Lai là Kon Chư Răng và Kon Ka Kinh.
Mật ong rừng Dung bán từ những cánh rừng này mà ra đấy ạ.
Người dân bản địa lúc ấy chỉ có người BANA, Ê ĐÊ thôi.
Người Kinh sau những năm 1980 mới bắt đầu vào khai hoang lập nghiệp và hình thành nên xã Sơn Lang và những xã lân cận như hiện nay.
Xứ sở Sơn Lang hiện tại là một vùng đất bạt ngàn cà phê. Những rẫy cà xanh ngút ngàn thường nằm lọt thỏm giữa những mảng rừng nguyên sinh còn sót lại. Cuộc sống có thể nói quanh năm suốt tháng gắn bó với cà phê mà thôi.
Đó là cuộc sống của người Kinh.
Còn với người dân tộc BANA, họ cũng trồng lúa, trồng cà phê nhưng tập tính tự cung tự cấp bám rừng sinh sống từ xưa, tư tưởng họ không chuyên cần, kỹ thuật canh tác kém nên cà phê chỉ là phụ.
Họ nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước, nhưng nhìn chung cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm.
Trước đây khi thú rừng còn nhiều thì săn thú lớn, giờ đây khi thú lớn ít đi thì vẫn đi rừng bẫy con sóc, con chuột, con chồn.. vừa để làm thức ăn, vừa để giữ lại nếp sống săn bắn hái lượm vốn có của người dân tộc thiểu số.
Cứ tới tháng 3 Tây Nguyên, sau tết nguyên đán,
Khi những vườn cà phê nở muộn ở Sơn Lang bắt đầu nở hoa trắng xóa, hoa rừng cũng đua nhau khoe sắc, hương thơm ngào ngạt như mời gọi những đàn ong Khoái rừng cũng là lúc những người dân bước vào mùa săn mật ong.
Khi tìm tổ ong, người đi săn mật ong phải quan sát con ong lấy mật hoa, uống nước ở con suối nhìn theo hướng bay của nó để tìm tổ.
Nghe kể thì có vẻ đơn giản ai cũng làm được nhỉ
Nhưng để mà tìm được đòi hỏi phải tinh mắt lắm cộng kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới tìm được đấy Anh Chị ạ.
Có khi mất cả ngày trời lang thang đường rừng mới tìm thấy tổ, có chuyến về không.
Ong Khoái Tây Nguyên thường làm tổ ở trên những cây cao chót vót. Thấy tổ rồi, người không biết hoặc không đủ sức leo cây cũng chịu.
Lấy mật ong cũng lắm gian nan, trèo cây cao bị ong đốt là chuyện thường ngày ở huyện. Ở trên cao và bị ong tấn công nếu không lì lợm gồng mình chịu đốt mà buông tay thì coi như xong.
Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng cuộc sống mưu sinh mà…sá chi.
Trước đây khi chưa được mua bán mạnh mẽ như hiện nay mật ong rừng nhiều lắm, tới mùa người BaNa đi bắt mật ong rừng giống như lưu giữ nét truyền thống,
Người Kinh cũng đi bắt cho vui để trữ một ít mật ong trong nhà phòng khi cần dùng đến hay để làm quà biếu mỗi dịp về quê.
Nói chung lúc này giá trị mật ong rừng thấp lắm mà lưu thông cũng chẳng nhiều.
Dung vào Sài Gòn mang theo trong mình những kỉ niệm về một vùng quê đầy vất vả nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều sản vật giá trị như vậy đó.
Hình ảnh những con đường đất đỏ mùa khô bụi mù, bám đỏ cây lá 2 bên đường, mùa mưa thì lầy lội trơn như đổ mỡ, những chiếc xe bò vàng chở gỗ chạy lõm cả 2 bên đường như 2 con mương trở thành kỉ niệm không bao giờ quên với những thế hệ 8x như Dung trở về trước.
Cuối 5 2013, lúc đó Dung ở Sài Gòn, tiếp xúc, tìm hiểu trăn trở vì thấy quê mình có nhiều sản vật giá trị mà nhiều người cần còn chưa được biết đến, người ở Thành phố thì hoài nghi về mật ong rừng thật giả.
Dung đã quyết định gắn bó với mật ong rừng từ đó.
Với một mong muốn hồn nhiên lúc bấy giờ là làm sao để mọi người biết tới vùng đất quê mình nhiều hơn.
Vậy mà thấm thoát cũng đã 5-6 năm, giờ thì mật ong rừng trên Dung nhiều người biết rồi, việc mua bán mỗi mùa rầm rộ hơn, có khi tranh nhau không có mật mà mua ấy chứ.
Mong muốn sản vật và quê hương được nhiều người biết tới đã toại, nay Dung lập website này để mọi người biết tới nhiều hơn ngoài trang Facebook D’honey ^^.
Vậy nhé
Nếu ai có dịp về Sơn Lang, giờ đây đường nhựa bê tông hóa hết rồi, phượt hết ý.
Quê Dung có thác 50 nằm trong khu bảo tồn Kon Chư Răng đẹp mê ly. Tiện đường đi thẳng lên Măng Đen hay xuôi về Quảng Ngãi cũng được.
Đôi điều để Anh Chị hiểu thêm về mật ong rừng D’honey, hiểu thêm về một vùng đất Tây Nguyên đã và đang được sự ưu đãi của núi rừng vẫn đang cung cấp cho con người những sản vật vô cùng giá trị.
Hãy cùng khám phá và ủng hộ D’honey nếu Anh Chị yêu mến nhé.